Các tôn giáo còn đợi gì nữa? - Dân Làm Báo

Các tôn giáo còn đợi gì nữa?


Dù hiện nay tại Việt Nam, nhiều lễ hội tôn giáo được tổ chức rầm rộ (có khi đông tới cả nửa triệu người), nhiều đền đài thánh thất được xây dựng hoành tráng (có khi tốn tới cả ngàn tỷ đồng), nhiều chức sắc và tín đồ được xuất ngoại để học hành hay hội họp…, những ai quan sát kỹ và suy nghĩ sâu đều không cho rằng trên dải đất hình chữ S này có tự do tôn giáo đích thật (nghĩa là đủ thứ tự do tôn giáo phụ tùy và tự do tôn giáo chính yếu được dành cho hết mọi tổ chức và mọi cá nhân). Bởi lẽ bản chất của chế độ cai trị cộng sản là vừa độc tài toàn trị, vừa duy vật vô thần tranh đấu (quyết tâm tiêu diệt tôn giáo, vì coi Thiên Chúa và các Giáo hội (GH) như một chướng ngại, đang khi chủ nghĩa duy vật vô thần Tây phương là duy vật vô thần hưởng thụ, coi Thiên Chúa và tôn giáo như chẳng đáng bận trí, để an tâm vui hưởng cuộc đời).

Chính cái não trạng duy vật vô thần và chủ trương tiêu diệt tôn giáo ấy của nhà cầm quyền CSVN đã gây bao tai họa cho các Giáo hội kể từ 1954 tới đây: quản thúc, giam cầm, thủ tiêu các chức sắc và tín đồ có ảnh hưởng; tịch thu hay cướp đoạt vô số tài sản của tôn giáo (đất đai, cơ sở, tiền bạc…); ngăn chận hay cấm cản nhiều hoạt động thờ phượng hay hoạt động xã hội của các GH; thậm chí còn ngang nhiên đặt một số cộng đồng tôn giáo ra ngoài vòng pháp luật…

Nhưng qua mấy mươi năm CS cai trị với lòng thù hận đối với mọi niềm tin, các tôn giáo vẫn tồn tại. Không những thế, với thời đại internet, những ai bị bách hại vì tín ngưỡng có thể lên tiếng kêu cứu, phản đối, hoặc quảng bá giáo lý của mình mà nhà cầm quyền khó ngăn chận. Thành thử CS nay chủ yếu chuyển sang thủ đoạn công cụ hóa hay ít nhất tê liệt hóa các tôn giáo: cho tồn tại nhưng có ích lợi hay không nguy hại cho chế độ. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo -bắt đầu hiệu lực từ đầu năm 2018- ra đời trong bối cảnh ấy. Nó nhắm mục đích củng cố cơ chế “Xin-Cho”. Như Nhận định của Hội đồng Giám mục VN ngày 01-06-2017: “Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo”. Bằng chứng là để được công nhận như tổ chức tôn giáo, các GH phải đăng ký Hiến chương của mình (điều 22) và phải để cho nhà cầm quyền vô thần mặc tình sửa đổi hiến chương đó, dĩ nhiên là vì mối lợi của chế độ. Nhưng Hiến chương là gì? Theo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, điều 23: “Hiến chương của tổ chức tôn giáo có những nội dung cơ bản sau đây: 1. Tên của tổ chức; 2. Tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động; 3. Địa bàn hoạt động, trụ sở chính; 4. Tài chính, tài sản; 5. Người đại diện theo pháp luật, mẫu con dấu; 6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; 8. Điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, cách thức phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; 9. Điều kiện, thẩm quyền, cách thức giải thể tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc; 10. Việc tổ chức hội nghị, đại hội; thể thức thông qua quyết định, sửa đổi, bổ sung hiến chương; nguyên tắc, phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ của tổ chức; 11. Quan hệ giữa tổ chức tôn giáo với tổ chức tôn giáo trực thuộc, giữa tổ chức tôn giáo với tổ chức, cá nhân khác có liên quan”. Thành ra muốn hoạt động, muốn có dù chỉ 3 thứ tự do phụ tùy như nói đầu bài, các tôn giáo buộc phải ngoan ngoãn để cho CS xác định bản chất mình, buộc phải im lặng trước sai lầm và tội ác của CS, và phải từ bỏ ý định thay thế cái chế độ bất công, bất lực và bất nhân ấy bằng một chế độ dân chủ, đa nguyên, nhân bản, công bằng. Dĩ nhiên cái tròng áp bức, dây thòng lọng vòng qua cổ các Giáo hội ấy để giữ cho sống cầm chừng, đã bị các cộng đồng đức tin kịch liệt phản đối, bác bỏ như một thứ luật man rợ và hiểm ác, không được phép có trong xã hội văn minh của loài người. (Tại các nước dân chủ văn minh, chỉ có những thỏa ước giữa chính phủ với một Giáo hội nào đó về vấn đề văn hóa, giáo dục hay cơ sở…).

Nhưng do chỉ phản đối bằng miệng, trên giấy tờ (chứ chưa qua những cuộc biểu tình rẩm rộ của quần chúng như trên thế giới khi có những đạo luật trái với lòng dân), nên hôm 20-07, các tôn giáo lại bị nhà cầm quyền dúi vào tay, dí vào mặt Dự thảo mang tên “Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo”, gọi là để “lấy ý kiến tín đồ”. Dĩ nhiên cũng do đường lối độc tài toàn trị, nhằm mục đích áp dụng Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nói trên. Và nếu được thông qua thì công cụ pháp lý mới này của chế độ sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2018

Y như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo muốn kiểm soát mọi yếu tố của các Tôn giáo nhằm áp đặt cơ chế “Xin-Cho” bất công, phi lý và nghiệt ngã, ngõ hầu đặt mọi Giáo hội trong gọng kềm khống chế toàn diện, Nghị định xử phạt hành chánh (với 4 chương và 37 điều) cũng dò xét mọi hoạt động của các Tôn giáo, từ việc xác định bản chất quy chế, việc sắp xếp cơ cấu nội bộ, qua việc bố trí nhân sự điều hành, đến việc đào tạo bồi dưỡng, việc thực thi các hình thức sống đạo… Hết thảy các hoạt động này mà không báo cáo, xin phép và chờ được chấp thuận, thì Ủy ban Nhân dân các cấp và Ban tôn giáo chính phủ sẽ có nhiều biện pháp hành chính để trừng phạt, chẳng hạn tịch thu phương tiện, đình chỉ hoạt động, bắt buộc rút lời... Đặc biệt là phạt tiền tối đa 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức. Chỉ xin đưa ra một thống kê nhỏ về tần suất sử dụng các từ mang tính đe dọa để quý độc giả thấy rõ (sắp theo vần): Buộc chấm dứt: 18 từ; Đăng ký (xin phép): 41 từ; Đình chỉ hoạt động: 10 từ; Quy định: 186 từ; Phạt cảnh cáo: 29 từ; Phạt tiền: 97 từ; Tịch thu tang vật: 11 từ; Vi phạm: 151 từ; Xử phạt: 32 từ. Cũng xin tóm tắt các loại vi phạm quy định mà các tôn giáo có thể dính vào: trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo (đ. 6); trong thực hiện hoạt động tôn giáo (đ. 7); về sinh hoạt tôn giáo tập trung (đ. 10); về sửa đổi Hiến chương (đ. 11); về thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (đ. 12); về thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực truộc (đ. 13); về giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (đ. 14); về phong phẩm, suy cử chức sắc (đ. 15); về bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc (đ. 16); về thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành (đ. 17); về cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc (đ. 18); về thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo (đ. 19); về đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo (đ. 20); về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo (đ. 21); về tổ chức hội nghị tôn giáo (đ. 22); về tổ chức đại hội tôn giáo (đ. 23); tổ chức cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp (đ. 24). Nghĩa là xoay phía nào cũng bị vướng cả! Quả là một hiểm họa pháp lý thứ hai đe dọa các Giáo hội.

Kể từ 1954 trên miền Bắc và từ 1975 trên cả nước cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN liên tục tịch thu, cướp đoạt hay mượn không trả vô số tài sản của các Tôn giáo (đất đai, cơ sở, tiền bạc…) nhằm bần cùng hóa và tê liệt hóa các Giáo hội, làm lợi cho các thành phần quốc doanh, cũng như làm giàu cho người của chế độ. Nhiều cộng đồng tôn giáo đã mất sạch các phương tiện hành đạo chính đáng. Nay Nghị định mới này cũng không ngoài mục đích làm cho các Giáo hội vì sợ bị xử phạt mà ra tê liệt hay nên ngoan ngoãn, hoặc dần dần không còn phương tiện để sống đạo và hành đạo. Việc tiếp tục bóc lột mọi tài sản vật chất và tài sản tinh thần (tức các tự do) của các tôn giáo như thế là một ý đồ nham hiểm mới của nhà cầm quyền CSVN. Nó cũng đồng thời khuyến khích bộ máy cai trị địa phương hăng hái dò xét, xử phạt các Giáo hội chỉ vì lòng đố kỵ tôn giáo và ham hố tiền bạc. Các ủy ban nhân dân mọi cấp sẽ đêm ngày rình chực bắt lỗi để vừa có tiền bỏ túi (ai tham lam của người cho bằng CS!), vừa thêm thành tích trong việc trấn áp các thế lực tinh thần vốn cần thiết để làm cho xã hội tốt đẹp nhưng cũng có thể làm cho chế độ tà ác lâm nguy.

Lúc này đây, trước tình hình cuộc sống nhân dân ngày càng khốn đốn vì đồng tiền sụt giá, vật giá leo thang, nợ công chất chồng; vì nạn ô nhiễm thực phẩm, nước uống, không khí, sông biển nhất là sau vụ Formosa thải độc; vì sự tham nhũng trắng trợn của quan chức nhà nước, sự lộng quyền tàn ác của nhân viên công lực; sự đàn áp khốc liệt của bộ máy cai trị đối với những ai đấu tranh ôn hòa cho nhân quyền dân chủ; vì sự hiện diện mang tính đe dọa của người Trung Quốc khắp mọi miền đất nước và trong nhiều lãnh vực… Nhiều tiếng nói đã cất lên, kêu mời toàn dân thực hiện một hoạt động đấu tranh xem ra hữu hiệu hơn cả là xuống đường biểu tình thật đông đảo, rộng khắp và liên tục, theo gương những cuộc cách mạng nhung, cách mạng màu đã thành công tại Đông Âu thế kỷ trước, tại Bắc Phi (Ai Cập, Tunisia) và châu Á (Myanmar) gần đây.

Nhưng làm sao tổ chức được quần chúng, vận dụng được sức mạnh tập thể của nhân dân? Nhìn lại kinh nghiệm trước đây tại Đông Âu (nơi mà mọi cuộc xuống đường hầu như xuất phát từ các nhà thờ Tin lành, Chính thống, Công giáo sau mỗi thánh lễ Chúa nhật), và gần đây tại miền Trung VN (nơi mà những cuộc biểu tình lớn lao, khó bị đàn áp đều xuất phát từ các giáo xứ ở Nghệ, Tĩnh, Bình), người ta nhận thấy chỉ các tôn giáo có tổ chức nội bộ chặt chẽ và kỷ luật, có lãnh đạo can đảm và khôn ngoan, có tín đồ đông đảo và vâng lời, có ý thức trong sáng và mạnh mẽ: đạo phải cứu đời thì mới có thể làm được việc đó. Khởi từ một sự cố nhân quyền (giáo dân thất nghiệp vì biển độc; tín đồ bị cắt cổ trong đồn, dòng tu bị đàn áp cướp bóc…), các cộng đoàn tôn giáo có thể phát động những cuộc biểu tình đông đảo trong ôn hòa để đòi công lý, và rồi dần dần lôi kéo thêm những dân oan bị cướp đất, những công nhân bị bóc lột, những ngư dân bị điêu đứng vì môi trường, toàn những lực lượng đang chờ được thúc đẩy và hướng dẫn.

Trong hơn một năm gần đây, người ta nhận thấy các cuộc đàn áp (dẹp biểu tình, phá khiếu kiện, đem đấu tố…), các cuộc cướp bóc và bắt bớ… đa phần nhắm vào các cộng đồng tôn giáo hoặc những nhân vật đấu tranh là tín đồ. Bạo lực vũ khí này, cộng với bạo lực hành chánh nói trên, là dấu chế độ đang thấy tôn giáo như kẻ thù đáng sợ nhất, có thể tạo cuộc chuyển biến xã hội trong an hòa.

Vấn đề là các Giáo hội -nhất là hàng lãnh đạo- có đồng lòng ý thức, đồng lòng lên tiếng, đồng lòng cầu nguyện và đồng lòng hành động không? Hay cứ sợ mãi chữ “làm chính trị”? Các lãnh đạo tinh thần Đông Âu đã sợ hãi chữ đó chăng?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo